Bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài: Đừng để quá muộn!

Việc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bị chiếm đoạt thương hiệu tại nước ngoài đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phải lùi về sân nhà khi chưa ...

Việc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bị chiếm đoạt thương hiệu tại nước ngoài đang khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phải lùi về sân nhà khi chưa kịp bước vào khai thác thị trường thế giới. Để khắc phục, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, tư vấn và giải quyết các tranh chấp, Cục Sở hữu trí tuệ khuyến khích các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình qua việc ứng dụng hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế.

Mất nhiều lợi ích

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn về vai trò của tài sản trí tuệ và đã thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện việc này ở nước ngoài còn rất ít, ngay cả khi các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới. Không ít thương hiệu Việt đã bị một số cá nhân, tổ chức đăng ký trước để chiếm đoạt tại thị trường nước ngoài, khiến các doanh nghiệp Việt phải mua lại với giá cao, hoặc bị lợi dụng uy tín để ngăn cản hàng hóa thâm nhập thị trường sở tại...
 

Giới thiệu sản phẩm sữa Vinamilk tại Nga.


Nhiều vụ việc “kinh điển” vẫn thường được các luật sư và các doanh nghiệp đề cập tới như những bài học về hậu quả của việc chưa nhận thức đầy đủ và lơ là trong bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương thường là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhất, như nước mắm Phú Quốc, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi,... Trong các siêu thị, cửa hàng ở các nước, không khó để thấy nhiều sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc in lên bao bì sản phẩm là “bún bò Huế, hủ tíu Sa Đéc… Những thương hiệu của các doanh nghiệp lớn cũng phải đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu tại nhiều thị trường, như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, PetroVietNam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam…

Khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, nguy cơ các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bị đánh cắp thương hiệu ngày càng cao. Trong khi đó, công tác phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia ở nước ta còn nhiều bất cập, mà nguyên nhân trước tiên bắt nguồn từ nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Đinh Hữu Phí, khi được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp không chỉ được bảo hộ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn và hợp pháp, mà còn có thể chuyển giao hoặc chuyển nhượng các độc quyền này cho các chủ thể khác để thu lợi, bảo đảm giá trị pháp lý đối với giá trị gia tăng.

Ứng dụng hệ thống quốc tế

Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Tổng thư ký Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp cần đánh giá đúng và đủ thông tin, quy định pháp luật, dịch vụ… liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… để tự bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình. Các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, tư vấn pháp lý và hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước bởi việc nộp hồ sơ xin cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài rất tốn kém tiền bạc, thời gian, thủ tục còn phức tạp.

Về vấn đề này, ông Đinh Hữu Phí lưu ý các doanh nghiệp, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài được thực hiện thông qua ba con đường, gồm quốc gia, khu vực và quốc tế. Nghĩa là doanh nghiệp có thể nộp đơn đăng ký bản quyền tại cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia, khu vực hoặc sử dụng các hệ thống đăng ký toàn cầu do WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) thiết lập. Hiện Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) và Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu. Đây là hai hệ thống giúp cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm sự bảo hộ sáng chế ở 152 nước thành viên PCT và bảo hộ nhãn hiệu ở 101 nước thành viên một cách thuận lợi và tiết kiệm.

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đăng ký bảo hộ đối tượng này ở 68 nước trên thế giới. Việc nộp đơn qua các hệ thống đăng ký của WIPO sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm nhiều thời gian và chi phí. Ông Seth Hay, Trưởng đại diện Văn phòng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế cho rằng, nếu tận dụng các hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quốc tế nói trên một cách hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ được đơn giản thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn có điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nhiều thị trường.

Trong thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý trong nước. “Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài thông qua việc đàm phán, gia nhập các thỏa thuận quốc tế về sở hữu trí tuệ, thực hiện hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh”, ông Đinh Hữu Phí khẳng định.

ST


0.90518 sec| 2217.336 kb